Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Câu chuyện của blogger Điếu Cày.

Song Chi.

Uploaded with ImageShack.us
Cộng đồng blogger vừa quyết định chọn ngày 19.10 làm ngày blogger Việt Nam. Đó cũng là ngày mà blogger Điếu Cày tức anh Nguyễn Văn Hải tức nhà báo tự do Hoàng Hải mãn hạn 30 tháng tù vì tội “trốn thuế”, từ một bản án hoàn toàn được ngụy tạo bởi luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Uploaded with ImageShack.us
Sự thật ai cũng biết blogger Điếu Cày bị bắt vì những hành động chứng tỏ lòng yêu nước và tinh thần công dân đầy trách nhiệm của mình: trên trang blog cá nhân cũng như trên trang blog Dân báo do anh và nhóm Câu lạc bộ Nhà báo tự do lập nên, anh đã viết những bài đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi công lý cho dân oan và nhất là về vấn đề Hoàng Sa Trường Sa; anh đã tham gia cùng với sinh viên học sinh biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa vào tháng 12.2007 trước Tòa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn và sau đó, cùng với nhóm CLBNBTD và một số văn nghệ sĩ biểu tình trước Nhà hát thành phố vào ngày 19.1.2008-ngày mà 34 năm trước Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Cộng. Anh bị bắt còn bởi vì vào thời điểm đó, việc cùng bạn bè lập nên một nhóm CLBNBTD để viết về những điều bất công, sai trái trong xã hội là một cái gai đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận mọi sự tụ tập thành nhóm dù cái nhóm đó chỉ có năm bảy con người, với hai bàn tay không, không có bất cứ một âm mưu chính trị, hoạt động nào ngoại trừ…viết bài trên blog!
Trường hợp của Điếu Cày càng “đáng tội” hơn trong mắt của nhà cầm quyền vì anh là người sinh ra và trưởng thành hoàn toàn trong môi trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không những thế, anh từng là bộ đội. Song họ không hiểu rằng chính vì vậy mà người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải càng không thể chấp nhận cảnh một phần lãnh thổ lãnh hải của cái đất nước mà anh đã góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ lại mất vào tay nước khác trong khi nhà cầm quyền tịnh không dám hó hé, cũng như cái xã hội mà anh cùng bao nhiêu người lính khác từng đổ máu xương xây đắp nay lại tồn tại quá nhiều bất công, phi lý, xấu xa. Anh đã phản tỉnh. Như nhiều người đi trước anh, cùng thời với anh và ngày càng nhiều hơn những người thuộc các thế hệ sinh sau anh, đã phản tỉnh.
Điếu Cày là blogger Việt Nam đầu tiên bị bắt và kết án tù dài hạn: 30 tháng. Ngoài ra, anh còn bị phạt một tỷ đồng tiền Việt Nam về tội truy thu thuế (mà lẽ ra công ty mắt kính Sài Gòn thuê nhà anh mới phải nộp vì theo hợp đồng cam kết thì bên công ty này phải chịu trách nhiệm đóng thuế!), bị nhà nước tịch thu một căn hộ ở quận 1 trong thời gian anh bị tù đày, người vợ cũ và cả hai con của anh thì thường xuyên bị công an xách nhiễu đủ mọi cách. Đó là cái giá mà một blogger ở Việt Nam phải trả cho sự quả cảm và lòng yêu nước của mình!
Vụ bắt Điếu Cày là một sự răn đe mạnh mẽ đầu tiên với giới blogger.


Uploaded with ImageShack.us
Trong hai năm rưỡi qua, khi Điếu Cày đang phải ngồi trong tù, chắc anh cũng không ngờ rằng cộng đồng blogger Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn rất nhiều. Khi dịch vụ blog Yahoo!360 bị đóng cửa vào tháng 7.2009, nhiều người bi quan đã nghĩ rằng tiếng nói của giới blogger Việt Nam sẽ yếu đi vì mạnh ai nấy "dời nhà" về những chỗ khác nhau, nào Yahoo! 360plus , Multiply, Blogspot, Wordpress, Facebook, Twitter v.v… Nhưng tiếng nói của các blogger-những nhà dân báo không tắt đi mà ngược lại, đã thực sự trở thành một luồng thông tin phản biện đa dạng, nhanh nhạy, sắc sảo, phản ánh muôn mặt đời sống chính trị xã hội văn hóa của Việt Nam. Và trong nhiều trường hợp, tiếng nói của họ thực sự có sức mạnh đến nỗi nhà nước Việt Nam buộc lòng phải thay đổi, chỉnh sửa một số vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà những cuộc đàn áp giới blogger đã thường xuyên diễn ra trong thời gian qua dưới nhiều hình thức khác nhau: từ đánh sập các trang blog, xách nhiễu, gây khó dễ trong công ăn việc làm, cuộc sống cá nhân cho đến bắt giữ một ngày, năm mười ngày…
Cho đến giờ phút này, thời điểm của năm 2010, giới blogger Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về sự phát triển cũng như những gì mình đã, đang và sẽ đóng góp cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam.
Trong khi đó thì người tù đầu tiên của giới blogger đã đến ngày mãn hạn tù. Gia đình, bạn bè đang chuẩn bị mừng anh trở về thì nhà nước Việt Nam trở mặt, quyết định giam giữ anh thêm với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam”-cái “tội” mà hai năm rưỡi trước họ không dám đưa ra khi bắt Điếu Cày vì sợ dư luận.
Một lần nữa, qua những thông tin kịp thời của báo chí “lề trái”, mọi người lại nhìn thấy trò hề của cái gọi là luật pháp ở Việt Nam qua toàn bộ tấn tuồng từ hành hung người cho đến xông vào khám xét ngôi nhà của chị Dương Thị Tân, vợ cũ anh Điếu Cày để mong tìm ra bất cứ cái gì có thể ghép tội anh. Điều khôi hài nhất của tấn tuồng này là hai năm rưỡi qua anh Hải ngồi trong tù có ở nhà đâu mà có cái gì để khám xét, chưa kể nếu anh có ở nhà thì trên thực tế ngôi nhà này cũng không phải là nơi ở của anh Hải. Nhưng ở Việt Nam thì đừng bao giờ ngạc nhiên trước bất cứ việc làm nào của công an cho đến chính quyền!
Khi Nhật Bản-Trung Quốc xảy ra vụ va chạm tàu ở quần đảo Sensaku vừa qua, nhân dân hai nước rầm rộ biểu tình phản đối lẫn nhau và cả hai nhà nước mặc nhiên chấp nhận cho người dân được quyền lên tiếng!
Trong khi đó thì ở Việt Nam, biểu tình chống Trung Quốc hay viết bài kêu gọi bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải thì không được phép, thậm chí bị bắt bớ, cầm tù!
Đôi khi tôi cứ tự hỏi cái nhà nước này, sao đối với nhân dân thì họ hùng hổ đến thế, họ không phải chỉ dùng dao mổ trâu để giết gà mà là dùng dao mổ voi để giết kiến! Qua hàng loạt vụ từ dân oan biểu tình khiếu kiện đất đai, dân công giáo biểu tình đòi lại đất đai của nhà thờ, giáo xứ, giới sinh viên học sinh biểu tình kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, giới blogger, giới luật sư, trí thức dùng ngòi bút phản ánh những sự bất công phi lý trong xã hội…cách đối phó, xử lý của nhà nước này vừa cho thấy một sự hùng hổ mạnh tay quá tầm mức của vụ việc, một sự coi thường bất chấp mọi lý lẽ, luật pháp đồng thời bất chấp luôn cái gọi là đạo đức, tính chính danh của một nhà nước khi sử dụng mọi biện pháp chơi bẩn, chơi xấu nếu cần- từ vu khống, bôi nhọ cá nhân, gây khó dễ về mọi mặt trong đời sống cá nhân cho đến hành hung, và kể cả giết người rồi đổ cho là bị đột quỵ hay tự tử! Đã có những trường hợp người dân bị đưa về đồn thầm vấn vì những “tội danh” rất nhỏ như không đội mũ bảo hiểm để rồi sau đó vài tiếng, người nhà được báo đi nhận xác về!
Sao đối với nhân dân thì họ hung hăng, tàn ác, thủ đoạn thế mà đối với kẻ thù xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải, bắt bớ ngư dân Việt Nam, và đang có âm mưu lâu dài muốn thôn tính Việt Nam thì họ lại hèn hạ, khiếp nhược, u mê đến thế!
Sự trái ngược đó trong cách ứng xử với dân và với giặc chỉ chứng tỏ một nỗi sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, thiếu cả tính chính danh của một nhà nước dù có cả bộ máy công an, quân đội, luật pháp…trong tay, điều đó cũng chứng tỏ trong thâm tâm họ-những người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước này từ trên xuống dưới biết rõ rằng nhân dân không đứng về phía họ, lẽ phải không thuộc về họ, tương lai cũng không dành cho họ!
Vì nỗi sợ hãi của nhà nước Việt Nam, ngày hôm nay Điếu Cày lại phải ngồi tù thêm không biết là bao lâu, và những người bạn blogger khác cũng phải vào tù cùng với anh, trước mắt là blogger AnhBaSG.
Một việc làm vô ích bởi không thể bắt hàng triệu blogger, phá sập hàng triệu trang blog càng không thể quay ngược trở lại thời kỳ chưa có internet. Điều duy nhất mà họ đã làm được chỉ là khiến cho nỗi căm giận trong lòng nhân dân lớn hơn, sâu sắc hơn và do vậy, tương lai của họ cũng u ám hơn mà thôi!

Blogger Anh Ba Sài Gòn bị bắt khẩn cấp

Radio Chân Trời Mới
Tin nhanh
18/10/2010
 
Vào lúc 22:30 phút đêm 18 tháng 10 năm 2010, có đến 6 người ập vào nhà  anh Phan Thanh Hải (tức blogger Anh Ba Sài Gòn) đọc lệnh khám xét nhà, tịch thu đồ vật và bắt khẩn cấp anh trước sự chứng kiến của gia đình.
Được biết, doanh nhân Lê Quốc Quyết (em trai của luật sư Lê Quốc Quân) cùng đi chung với anh Ba Sài Gòn vào chiều tối ngày 18/10/2010. Tuy nhiên, hiện nay không ai có thể liên lạc được với anh Quyết.
Anh Ba Sài Gòn là người bạn thường xuất hiện bên cạnh blogger Điếu Cày (người được nhắc đến như vai trò tiên phong của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do) trong những ngày anh này chưa bị bắt giam vì “tội trốn thuế”.

Blogger Anh Ba Sài Gòn (trái) và blogger Điếu Cày (phải).
Được biết, từ chiều nay, an ninh Việt Nam cũng đã bố trí người theo dõi và canh gác gắt gao trước cửa nhà những blogger có liên quan đến nhóm CLB Nhà báo tự do.
Giới blogger, còn gọi là các nhà dân báo, đang có phong trào kêu gọi lấy ngày 19/10 làm Ngày  Bloggers Việt Nam. Theo họ, ngày 19/10, tức ngày anh Điếu Cày mãn hạn tù, là ngày thực sự đáng nhớ của người blogger tiên phong trong việc đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải phản ứng mạnh mẽ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ chị Dương Thị Tân (người nhà blogger Điếu Cày) hiện nay anh đã bị di lý về trại giam số 4 đường Phan Đăng Lưu quận Phú Nhuận – đây là trụ sở của cơ quan An ninh điều tra.
Việc blogger Điếu Cày mãn hạn tù là một sự kiện đáng mừng đối với blogger Việt Nam. Trên các blog đã xuất hiện hình ảnh những chiếc áo T-shirt in hình Điếu Cày – như một biểu tượng mới cho tự do thông tin.
Dư luận tin rằng việc bắt giam anh Phan Thanh Hải (blogger anh Ba Sài Gòn) và tăng cường theo sát các blogger khác tại Sài Gòn, có liên hệ đến việc anh Điếu Cày sắp ra tù.
Hiện tại, vợ của Ba Sài Gòn đang mang thai và có hai con nhỏ. Gia đình anh đang rất lo lắng trước biến cố quá bất ngờ này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức về vụ việc này.
 
Phóng viên Kim Châm
tường thuật từ Sài Gòn

Chính phủ có đáp ứng kỳ vọng của dân?

Gia Minh, biên tập viên RFA

2010-11-30
Tại kỳ họp quốc hội vừa qua, nhiều phát biểu của một số đại biểu về những vấn đề ‘nóng’ hiện nay được nhiều người kỳ vọng ‘thấu tai’ chính phủ để chỉnh sửa.
Photo courtesy of dantri
Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo chí sáng 24/11/2010

Có thể nói, nhiều cử tri quan tâm đến chính sự tại Việt Nam tỏ ra vui mừng khi được nghe những đề nghị thẳng thắn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp hôm đầu tháng 11 vừa qua, bàn về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.

Dân nói thẳng nói thật

Nhiều người tỏ ra phấn chấn khi vị đại biểu này đưa ra đề nghị thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, và đến cuối kỳ họp quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những thành viên chính phủ, kể cả thủ tướng, trong vụ việc đó. Kiến nghị đó đã được một số đại biểu quốc hội khác ủng hộ.
Phản ứng của nhiều người dân là mừng vui vì họ cho rằng đó là một tín hiệu của dân chủ. Bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt tham gia chống tham nhũng có tiếng lâu nay tại Việt Nam, từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, bày tỏ sự lạc quan tin tưởng của bà vào những vị đại biểu quốc hội nói thẳng, dù rằng vẫn chưa được nhiều:
"Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông (Thanh Hoá), rồi Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc rất được dân quí trọng, tin tưởng. Nhưng đó là thiểu số, còn đại đa số: một là ‘nghị gật’, hai sợ động đến thân họ, ‘ghế’ của họ nên không dám nói lên ý kiến của họ. Riêng bản thân tôi, thực tế, thán phục nhất ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Nhưng đó là thiểu số thôi."
Một số cử tri cũng tỏ lòng tin tưởng vào những đại biểu dám lên tiếng như thế. Một trong những người đó có bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào ngày 21 tháng 11 vừa qua có thư gửi trực tiếp cho những vị đại biểu mà bà hy vọng sẽ nói thay những quan tâm, trăn trở của một cử tri như bà trước quốc hội, chính phủ.
"Riêng bản thân tôi, thực tế, thán phục nhất ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Nhưng đó là thiểu số thôi."
Bà Lê Hiền Đức
Những vấn đề nóng được các đại biểu nêu ra như chuyện nợ nần của Vinashin, dự án khai thác bô- xít ở Tây Nguyên, rồi dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam … đã được tổng kết thành những câu hỏi gửi cho thủ tướng và các bộ trưởng chính phủ.
Một trong những quan tâm của cử tri là hậu quả khôn lường của việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên khi chất thải bùn đỏ được giữ trong những hồ chứa nằm trên Tây Nguyên. Sau khi nghe trấn an của Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường, Phạm Khôi Nguyên, bà Nguyễn Nguyên Bình có ý kiến:
"Tôi xem trao đổi trực tuyến trên VietnamNet, rồi những phát biểu tại quốc hội của ông Phạm Khôi Nguyên, tôi không tin được. Tại sao người ta tự đưa mình vào một ‘thế’ như vậy? Tại sao để hồ bùn đỏ ở một nơi cao như thế rồi đem hết khả năng để khắc phục? Sao lại làm thế cho tốn kém? Tại sao không đặt ở nơi khác? Tại sao không thải khô? Tại sao không làm như các nhà khoa học gợi ý?
Bao nhiêu ý kiến của ông Khôi Nguyên tôi đều không hiểu nổi, mà theo tôi đó là những ý kiến ‘đưa trâu qua rào’; tức ai đưa ra ý kiến gì cũng nói tôi đã nghiên cứu, khắc phục rồi. Theo tôi nghĩ, lẽ ra ông Phạm Khôi Nguyên phải là người phản biện thì lại đứng ra như người của Tập đoàn Than- Khoáng sản."
Bà cũng không bằng lòng với đánh giá cho rằng thảm họa tại Hungary là do công nghệ áp dụng từ năm 1942, còn hiện nay Việt Nam theo công nghệ tiên tiến:
Tôi vẫn nghe người ta nói công nghệ thải khô tiên tiến hơn công nghệ thải ướt. Hiện nay người ta làm thải khô sao Việt Nam vẫn còn chọn thải ướt mà gọi là tiên tiến nhất?
"Còn phái đoàn sang Hungary xem xét gồm những ai? Thông báo cũng không có, danh tánh cũng không, có người trong phản biện không. Nếu ví dụ toàn những người đồng thanh như ông Phạm Khôi Nguyên, không có gì đáng tin tưởng."

Chính phủ có thay đổi?


000_DV272185-250.jpg
Bà Lê Hiền Đức từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007. AFP photo
Tại phiên trả lời chất vấn hôm tuần rồi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm của bản thân cũng nhưng của các bộ trưởng chính phủ liên quan để xảy ra vụ nợ nần Vinsahin… Về việc nhận trách nhiệm này, bà Nguyễn Nguyên Bình có ý kiến:

"Phải có giải trình để dân tin có thể khắc phục được; chứ để thất thoát lớn như thế, và có những vấn đề buộc nhận trách nhiệm xong rồi để đó, tôi chả tin. Tôi không nói chuyện nước khác, tại Việt Nam hồi cải cách ruộng đất để xảy ra sai lầm, ông tổng bí thư Trường Chinh phải mất chức. Bây giờ tốt nhất nếu không làm được hãy để người khác làm. Điều quan trọng là ông (thủ tướng) có từ chức không, có mất chức không? Nếu nhận trách nhiệm xong rồi để đó, rồi kêu có nhiều khó khăn đề nghị Quốc hội, mọi người thông cảm giúp đỡ chúng tôi làm việc.
Theo tôi nếu vị bộ trưởng nào thấy khó khăn thì nên từ chức để cho người khác làm, như thế mới sòng phẳng, chứ cứ nhận lỗi, nhận lỗi thì quá nhẹ.
Trong một gia đình khi đứa trẻ con làm lỗi phải hứa với cha mẹ lần sau không phạm nữa; nếu thủ tướng xin lỗi mà không nói không phạm nữa thì không bằng đứa trẻ con. Tôi không bằng lòng với những phát biểu như thế."
Trong thực tế, lâu nay có nhiều vấn đề, nhất là tình hình tham nhũng, khiếu kiện của dân chúng mà cơ quan chức năng nhà nước không giải quyết dứt điểm, một cách thấu tình đạt lý, nên nhiều người dân trở nên mất tin tưởng như kết luận của bà Lê Hiền Đức:
Theo tôi nếu vị bộ trưởng nào thấy khó khăn thì nên từ chức để cho người khác làm, như thế mới sòng phẳng, chứ cứ nhận lỗi, nhận lỗi thì quá nhẹ.
Bà Nguyễn Nguyên Bình
"Có những việc rất lớn, rất quan trọng của đất nước ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như bô-xít, đường sắt cao tốc, được những đại biểu như ông Nguyễn Minh Thuyết đưa ra tranh luận, cho ý kiến. Nhưng rồi cứ bàn đi, bàn lại không biết đến nay giải quyết thế nào. Mà những vị như ông Nguyễn Minh Thuyết ít quá ‘đếm trên đầu ngón tay’ làm sao chống lại một ‘hệ thống’, nhân dân đang lo, đang trông chờ sự công minh, nghiêm túc, dân chủ mà không nhìn thấy gì. Tôi là người chống tham nhũng nhưng buồn lắm, không thấy tương lai gì. Tôi chống tham nhũng không vì cá nhân mà bị khủng bố…"
Tại những nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp… các tổ chức thăm dò hay báo chí thường xuyên có những thống kê đánh giá mức tín nhiệm của dân chúng đối với những vị lãnh đạo đất nước. Mức độ tin tưởng của dân chúng được thể hiện lên xuống rất rõ thông qua khả năng điều hành công việc đất nước của những vị lãnh đạo đó.
Dù ở Việt Nam chưa có những đánh giá, thăm dò công khai như thế nhưng lòng dân đối với các nhà lãnh đạo cũng vậy thôi. Theo lẽ thường, nhà lãnh đạo nào có tâm và lo được cho dân nước thì nhận được sự tin yêu, kính nể của dân, bằng không thì bị muôn người oán thán.

Cần tự do thanh nghị

Ngô Nhân Dụng
Ở nước ta đời xưa, có một truyền thống gọi là Danh Giáo, hoặc thanh nghị, tức là các nhà Nho bình phẩm các hành vi, lời nói của người trong xóm làng, có khi bàn đến cả việc chung cả nước.

Phan Khôi đã nêu lên hiện tượng này trong một loạt bài phê bình Khổng Giáo rất gắt gao, trong nhiều số báo Thần Chung xuất bản tại Sài Gòn năm 1929.

Mục đích của cụ Phan Khôi là bài bác ảnh hưởng Nho giáo trong thời kỳ nước Việt Nam đang cần canh tân. Là một đã học đạo Nho từ nhỏ lớn lên, Phan Khôi tấn công vào những thuyết như “minh đức tân dân” (Sách Ðại Học), thuyết “trung dung,” tư tưởng mà ông gọi là “chủ nghĩa làm quan,” tinh thần coi khinh nhà nông, mà Phan Khôi cho là “trong Khổng giáo mà có ảnh hưởng xấu ở xã hội ta.” Nhưng Phan Khôi cũng thấy một điều tốt do Khổng Giáo tạo nên, mặc dù không hoàn hảo, là công việc Thanh nghị mà các nhà Nho thi hành giúp cho đạo lý xã hội. Thanh nghị, nói cách khác là “bao biếm,” Phan Khôi giải nghĩa Bao là khen và Biếm là Chê, bây giờ chúng ta gọi là dư luận.

Trong làng xã Việt Nam đời xưa, có một loại “hội tư” rất có ảnh hưởng trên xã hội là các Hội Tư Văn gồm các nhà khoa bảng và các nhà Nho khác trong làng. Nơi sinh hoạt của giới này là Văn Chỉ hoặc Văn Từ, nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền trong nước và trong làng. Trường học trong các làng đều là những “trường tư thục” do một ông đồ đứng làm chủ. Từ đó cũng sinh ra một hình thức “hội tư” gọi là “hội đồng môn” tập họp các học trò của ông đồ này. Sau khi ông thầy qua đời, hội đồng môn vẫn còn tiếp tục sinh hoạt để lo việc giỗ thầy, cho tới khi nào những người học trò cuối cùng qua đời mới chấm dứt. Hội Tư Văn và các Hội Ðồng Môn là nơi các nhà Nho bàn việc thanh nghị.

Phan Khôi viết: “Trên nền Khổng giáo ở nước Nam ta có những tư văn, văn chỉ, ấy là những cái cơ quan để phê bình xã hội theo như cái ý nghĩa của sách Xuân Thu.” Phan Khôi đã tóm lược quan điểm của Khổng Tử dùng Kinh Xuân Thu để phê phán các nhân vật lịch sử thời đó: “Sách Xuân Thu cốt để bao biếm. Bao, nghĩa là khen những điều phải; biếm, nghĩa là chê những điều quấy. Có vì tiên nho tán dương cái nghĩa bao biếm của sách Xuân Thu mà rằng: “Ngài khen cho một chữ là vinh hơn áo mão của nhà vua ban cho ; ngài chê cho một chữ là nghiêm hơn dùng búa rìu mà giết.”




Link
Cụ Phan Khôi

Trong thời Pháp thuộc, Phan Khôi nhận xét, các tổ chức “Hội Tư Văn” trong làng bị xuống thấp vì bị chính quyền coi rẻ, các nhà Nho chỉ còn họp nhau “ăn thịt uống rượu” mà thôi. Nhưng, Phan Khôi viết: “Trước kia thì chính các hội ấy đã làm giềng mối, chủ trương cả dư luận trong xã hội. Mỗi một phủ huyện nào cũng đều có hội Văn Chỉ, mỗi một ông thầy dạy học lâu năm và đông học trò thì có hội Ðồng Môn. Những hội ấy rất có thế lực ở dân gian; người ta quen gọi là cái nền ‘danh giáo’ hay là cái cơ quan thanh nghị.’ Chẳng những người trong hội, cho đến người thường ở ngoài nữa, nếu có làm một việc gì phạm tới luân lý, trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội hoặc trực tiếp hay gián tiếp. Có khi một việc trái phép mới xảy ra, pháp luật của nhà nước chưa hỏi đến, mà chính người thủ phạm trong việc ấy đã bị ‘thanh nghị’ làm cho sỉ nhục mà phải hối cải hơn là bị hình phạt. Bởi vậy cũng có khi, ở dân gian, người ta đem những việc bất bình mà cáo với các hội ấy, chớ không cáo với quan.”

Hiện tượng người dân đem những “việc bất bình” nói cho các hội tư văn hoặc hội đồng môn, chứ không “cáo” cho các quan lại, cho thấy bên cạnh “guồng máy tư pháp chính thức” có một mạng lưới lo việc phê bình, can ngăn những việc xấu do tư nhân đảm nhiệm, mà ảnh hưởng có thể mạnh hơn cả hệ thống tư pháp công cộng!

Vai trò của giới trí thức làng xã trong việc bảo vệ đạo lý, và có khi bảo vệ cả luật pháp ở trong làng cho thấy xã hội dân gian nước ta có một “không gian tư” làm các công việc mà ngày nay người ta thường coi là thuộc phạm vi của nhà nước. Những “phán quyết” của các hội tư này có giá trị tâm lý mạnh và lâu dài hơn bộ máy tư pháp chính thức, và mối ràng buộc của các phê phán đó đối với mọi người có thể còn mạnh hơn cả các tôn giáo.

Vì theo Phan Khôi: “Hồi xưa người ta sợ ‘thanh nghị’ lắm, sợ đắc tội với ‘danh giáo’ lắm, hơn là sợ tù tội nữa. Bởi vì cái nhục của tù tội còn có chừng, lại có khi theo vua thì bị tù tội, song đối với công chúng lại được khoan thứ; chớ còn đã bị ‘thanh nghị’ công kích, đã bị ‘danh giáo’ loại ra, thì gần như là không còn mặt nào trông thấy ai, không còn biết ở đời với ai, chỉ có nước vạch đất ra mà chui xuống! Cho nên lúc bấy giờ, từ hàng tấn thân cho đến hạng dân dã, ít kẻ dám công nhiên làm bậy như ngày nay.” Xin chú ý, hai chữ Ngày Nay ở đây là vào đầu thế kỷ trước. Khi nghĩ đến xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, cảnh “công nhiên làm bậy” còn tiến thêm nhiều bước nữa!

Vai trò “thanh nghị” của giới Nho sĩ trong làng xã Việt Nam, khi dùng lời phê phán khiến người phạm lỗi “chỉ có nước vạch đất ra mà chui xuống” cũng giống như tập tục trong đô thị Athena ở Hy Lạp thời cổ, gọi là “Ostracism” (Εξωστρακισμός).Một công dân tại Athena có thể bị “trục xuất” một thời gian, không cho ở trong thành phố nữa. Quyết định này không theo những thủ tục tư pháp bình thường. Ostracism không phải là một hình phạt của tòa án, không có bên công tố và bên bào chữa. Tất cả chỉ là quyết định chung của các công dân để trừng phạt tạm thời một người. Mà không phải ai ở thành phố Athena cũng có quyền công dân, họ chỉ là một thiểu số trong tất cả dân cư, giống như các nhà Nho trong một địa phương. Hành động Thanh nghị trong làng xã nước ta nhằm bảo vệ Danh Giáo, không đưa tới việc trục xuất ai ra khỏi làng, mà chỉ tạo áp lực xã hội trên người làm điều xấu. Nhưng hình phạt tâm lý này còn nặng hơn việc trục xuất thật.

Công việc thanh nghị đó, Phan Khôi thấy là do các nhà Nho muốn tiếp nối công việc “bao biếm” của Kinh Xuân Thu mà Khổng Tử biên soạn. Ông viết: “Sự khen chê của sách Xuân Thu là suốt từ việc lớn cho chí việc nhỏ. Ðây nói những việc lớn: Ai giúp kẻ yếu, chống kẻ mạnh, cứu những nước bị tai nạn, phò những nước bị diệt vong, ấy là được khen (Bao), còn những nước chiến tranh nhau, hoặc dùng mưu kế mà khi trá nhau, cùng những con giặc, tôi loàn, và những kẻ phản quốc, thờ quân thù nghịch, thì bị chê. Nói tóm lại, phàm việc gì hại đến cuộc hòa bình của xã hội là bị chê (Biếm).”

Phan Khôi nhận xét: “Tuy vậy, xét kỹ lại thì cái hiệu nghiệm của sách Xuân Thu, bên khen không có quan hệ lắm bằng bên chê.” Trong hiện tượng “thanh nghị” ở các làng xóm cũng vậy; lời phê phán của các nhà Nho giúp ngăn ngừa những cái xấu trong xã hội, ảnh hưởng đó hữu ích hơn việc khen ngợi; vì những ai đáng khen ngợi thì “cả làng” đã biết rồi.

Phan Khôi đã mô tả ảnh hưởng của vai trò thanh nghị qua những câu chuyện cụ thể, thí dụ nhờ thanh nghị mà đời xưa người Việt Nam ít mắc ghiền ma túy. Ông viết: “Tôi xin cử ra đây một sự cấm hút thuốc phiện. Ðời Tự Ðức, khi chưa hòa với Pháp về trước, triều đình ta vẫn cấm nhân dân hút thuốc phiện. Trong sự cấm ấy, phép vua tuy nghiêm mà cũng không bằng các hội Văn Chỉ và Ðồng Môn. Tôi chưa kịp thấy, nhưng nghe các ông già nói lại rằng lúc bấy giờ thuốc phiện dầu nhiều và rẻ mà ít ai dám hút, nhứt là những người có học, không sợ hình phạt là mấy, nhưng sợ rủi bị hội Văn Chỉ hoặc hội Ðồng Môn ngoại ra thì khốn.”

Phan Khôi đã kể những câu chuyện thời đầu thế kỷ 20 ở nước ta để so sánh: “Ta thử đem việc ấy so với hai việc sau nầy. Ở gần miền tôi có một người vô đạo mà ghiền thuốc phiện. Ông cố (tức là vị linh mục) bắt xưng tội ấy thì anh ta không chịu xưng, nói rằng hút thuốc phiện không phạm vào mười điều răn của Chúa. Lại khi ở Hà Nội, tôi có gặp một ông thầy tu cũng hút. Tôi hỏi chớ thầy không sợ phạm giới sao. Ông ta trả lời rằng trong ngũ giới của Phật vẫn không cấm điều nầy, mà có lẽ hút á phiện thì tiệt được sự sắc dục, lại là có ích cho người tu hành nữa vậy! Coi đó thì thấy rằng cũng đồng một sự cấm hút á phiện mà một bên nói rằng hút thì hư nhân cách, làm cho người ta dễ nghe hơn là bên kia nói rằng hút thì ‘trái ý Chúa’ hay là ‘mang tội cùng Phật’ vậy.”

Khi bị thanh nghị chê bai, một người dân làng cảm thấy “hư nhân cách,” cũng giống như bây giờ chúng ta gọi là bị “mang tiếng.” Qua hai thí dụ trên, Phan Khôi cho thấy mối lo sợ bị mang tiếng “hư nhân cách” có tác dụng mạnh hơn cả những lời răn của các tôn giáo.

Phan Khôi viết cả một loạt bài công kích ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng vẫn coi vai trò thanh nghị của các nhà Nho trong xã hội là rất đáng quý. Công việc thanh nghị dần dần không bị giới hạn trong đám Nho sĩ nữa mà đã lan rộng ra toàn dân, có thể gọi là một quá trình “dân chủ hóa” hoặc “đại chúng hóa.” Chính Phan Khôi mô tả: “Ngày nay dầu các hội nói trên kia không còn gì, cái thế lực của “thanh nghị” không có tỏ bày ra như trước, nhưng tôi nói rồi, nó đã bám vào trong lòng mọi người, thì không có bao giờ mất đi được, điều ấy khỏi lo.”

Phan Khôi kể: “Trong khoảng 5- 7 mươi năm nay, những người nào tỏ ra là bất trung với bổn quốc, hãm hại đồng bào, thì bị người ta chửi mắng nhiếc móc riêng với nhau.” Ðó là công việc thanh nghị do người dân phụ trách, không cần đợi giới Nho sĩ. Phan Khôi nêu mấy thí dụ: “Ở Bắc kỳ, có những sanh phần sanh từ của mấy ông quan to bị người ta đề thơ mà chửi bới, hay là đem đồ ô uế mà ném vào, cùng là lén mà phá cho hư đi. Lại có những người tuy chưa làm ra việc chi đáng trách, chỉ mới nói một vài câu chi đó mà thôi, cũng đã bị cáo là ‘bán nước dối dân,’ rất là khó chịu.”

Một giới người bị công luận chê bai nhất là những tên công an làm tay sai cho chế độ thực dân. Phan Khôi khẳng định: “Một vạn cái lòng (người) An Nam (sic) chẳng có cái nào là chẳng ghét những người làm mật thám, tức Nam kỳ kêu bằng lính kín.” Phan Khôi không có thành kiến với giới công an; nếu họ làm đúng bổn phận lo việc an ninh chung. Ông viết: “Mật thám ở các nước văn minh là những người có phần trong sự giữ cuộc trị an cho xã hội, song theo cái tình thế riêng ở xứ ta lại khác, cho nên người ta ghét cũng phải!” Sang thế kỷ 21 rồi, những ý kiến đó vẫn còn đúng!

Cụ Phan Khôi kể ngay một kinh nghiệm bản thân, có một thời gian cụ bị người ta phao tin đồn làm tay sai cho Pháp: “Trong khoảng 4-5 năm nay, có nhiều người khi không mà bị nghi là mật thám. Tôi cũng là một người trong đám ấy.” Hậu quả là “tôi đi đến đâu, người ta chào sơ qua rồi thôi, ít hỏi han chi. Nếu là chỗ đông người thì họ lấy mắt ngó nhau, dường như bảo phải giữ mình... chẳng khác nào giữ một đứa kẻ cắp. Ngoài sự giữ gìn ấy họ lại còn hằm hằm mà tỏ ra dáng khinh bỉ... lại có được thơ nặc danh gởi đến luôn luôn (cho tôi), cái thì khuyên tôi cải ác tùng thiện, cái thì chửi tôi tàn tệ.”

Bị nghi oan, bản thân bị thiệt hại, nhưng Phan Khôi lại vui mừng vì thấy công luận vẫn đóng vai trò thanh nghị: “Tôi chịu những điều đoán phạt oan ức ấy mà lại lấy làm vui lòng, vì nội đó cũng đủ chứng rõ cái lòng ái quốc và cái đức chánh trực của dân tộc Việt Nam.” Ông viết tiếp: “Dân tộc ta mà sau này có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó. Chỗ đó, ta phải cảm ơn Khổng giáo, ta phải nhận rõ ràng là sự ban tứ của sách Xuân Thu.”

Bây giờ là đầu thế kỷ 21, khi coi lại những lời Phan Khôi viết hơn 80 năm trước, chúng ta vẫn ngậm ngùi khi đọc câu: “Dân tộc ta mà sau này có ngày cất đầu lên được, là nhờ ở chỗ đó.”

“Chỗ đó” mà Phan Khôi nói trên đây là cái quyền thanh nghị của giới trí thức và mọi người dân trong xã hội. “Chỗ đó” không là luật pháp thành văn nhưng là một quyền mặc nhiên được công nhận trong “hợp đồng xã hội” của người Việt Nam chúng ta trong hàng ngàn năm lịch sử.

Khi người Việt Nam bắt đầu nghĩ đến công cuộc duy tân thì công tác thanh nghị bảo tồn danh giáo trên đây sẽ còn hay không? Xã hội đã biến chuyển, tiến bộ, nhiều thứ quyền mặc nhiên phải được chính thức hóa, phải trở thành minh bạch, công khai. Phong tục cổ truyền đã được thay thế bằng một thứ quyền hiến định do luật pháp bảo vệ, là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nếu chế độ không thi hành đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì nước ta đã bỏ mất một định chế cổ truyền, là thanh nghị. Nhiều người bênh vực chế độ độc tài cứ nói rằng các quyền tự do này là sản phẩm của văn hóa tây phương, không thích hợp với truyền thống Á Ðông. Ðọc Phan Khôi, chúng ta thấy thực ra việc tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là theo một truyền thống của dân tộc!

Trong lúc nhà nước cộng sản chiếm độc quyền làm công việc truyền thông, giới trí thức nước ta, những nhà Nho mới vẫn tiếp tục công tác thanh nghị trên các mạng lưới. Mạng lưới Bô xít Việt Nam là một cơ quan thanh nghị. Các người chủ trương những mạng nhà báo tự do, những ông Ðiếu Cầy, Tô Hải, cô Mẹ Nấm đang làm công việc thanh nghị, để, theo dự kiến của Phan Khôi, giúp cho dân tộc Việt Nam “có ngày cất đầu lên được.”

Ðiều đáng lo là những người cầm quyền ngày nay không phản ứng giống như giới quan lại ngày xưa. Xưa kia, bị mang tiếng xấu thì người ta sợ hãi; ngày nay họ vẫn nhơn nhơn. Những công an trừ nạn mại dâm lại chụp hình làm nhục các cô gái đáng thương, họ cũng đáng thương vì không được giáo dục. Những ông hiệu trưởng như Sầm Ðức Xương đã làm nghề dẫn gái cũng vì sống trong một guồng máy cai trị coi quyền hành của các cán bộ cao hơn pháp luật. Cả tập đoàn cai trị một tỉnh Hà Giang, từ bọn đầu sỏ Nguyễn Trường Tô, Ðinh Xuân Hùng, đến các cán bộ hải quan Hướng, trưởng ban tổ chức công an Bích, và các công an như Minh, Tiến, đã tham dự vào mạng lưới ghê tởm làm hại đời các nữ học sinh. Còn biết bao nhiêu tập đoàn thống trị làm hại dân như vậy, không ai tố cáo nên hiện giờ vẫn còn tiếp tục tác hại? Họ vốn không biết liêm sỉ hay xã hội đã biến họ thành vô liêm sỉ?

Nền giáo dục cộng sản đã làm nhiều người bị thui chột đức liêm sỉ. Muốn cho việc thanh nghị đóng được vai trò giáo huấn, ngăn ngừa cái xấu thì phải thay đổi nền giáo dục, bắt đầu với việc xóa bỏ những căn bản là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Ðông. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong Hiến Pháp! Ðó chính là quyền thanh nghị trong truyền thống nước ta.
TÒA DÂN VIỆT NAM LIÊN TỤC XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH CHỐNG TÀU CỘNG VÀO MỔI THỨ BẢY& CHÚA NHẬT